2022/12/27
Sáng 25/12, Câu lạc bộ Nhà báo Công nghệ Thông tin Việt Nam (ICT Press Club) đã tổ chức công bố 10 sự kiện ICT tiêu biểu năm 2022.
1. Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030
Ngày 31/3/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Chiến lược này có tầm nhìn mục tiêu phát triển số với việc tạo tăng trưởng dựa trên yếu tố đầu vào là công nghệ số và dữ liệu số, trở thành một trong những phương thức phát triển chủ đạo mới để Việt Nam phát triển nhanh, bền vững, bao trùm, thích ứng và kiên cường trước các thách thức trong thế giới nhiều biến động khó dự báo trước.
Phát triển kinh tế số giúp người dân giàu có hơn, góp phần đưa Việt Nam vượt qua mức thu nhập trung bình thấp vào năm 2025, đạt mức thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và đạt mức thu nhập cao vào năm 2045.
Phát triển xã hội số giúp người dân hạnh phúc hơn, tham gia các hoạt động xã hội toàn diện hơn, thụ hưởng các chính sách an sinh xã hội thuận lợi hơn, góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia số an toàn, nhân văn và rộng khắp. Chính phủ đưa ra mục tiêu kinh tế số chiếm 20% GDP vào năm 2025 và 30% GDP vào năm 2030.
2. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị về phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số
Ngày 26/4/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị về phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia. Để tiếp tục phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các địa phương thực hiện nhiều nhiệm vụ.
Cụ thể, phổ biến, quán triệt tới toàn bộ các tổ chức, cá nhân việc tăng cường quản lý đầu tư bảo đảm hiệu quả, an toàn thông tin. Trước tháng 6, triển khai Hệ thống Trung tâm giám sát, điều hành thông minh (IOC) thiết thực, hiệu quả, bền vững.
Phát triển và sử dụng các nền tảng số quốc gia phục vụ chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Dịch chuyển lên nền tảng điện toán đám mây; ưu tiên hình thức thuê dịch vụ chuyên nghiệp. Triển khai hoặc thí điểm triển khai nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp cấp bộ, tỉnh.
Từ đó tạo ra thông tin mới, dịch vụ dữ liệu mới phục vụ Chính phủ điện tử, Chính phủ số. Chính phủ cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị phối hợp với Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ, Bộ TT&TT chuẩn bị hạ tầng để kết nối các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, hệ thống thông tin phục vụ giải quyết thủ tục hành chính với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, trước hết là các cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp, thuế, hải quan, ngân hàng, giấy phép lái xe, bảo hiểm y tế, giáo dục và an sinh xã hội theo tiến độ được giao.
3. Quốc hội bỏ phiếu thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện
Chiều 9/11, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện nhằm quản lý chặt chẽ, phân bổ hợp lý, hiệu quả quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động viễn thông, thúc đẩy phát triển hạ tầng viễn thông, góp phần tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số.
Luật này tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao trách nhiệm của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân trong việc sử dụng tần số vô tuyến điện và quỹ đạo vệ tinh, xử lý nhiễu có hại góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh và hoạt động thông suốt của các hệ thống thông tin vô tuyến điện.
Luật sửa đổi lần này đã hoàn thiện đồng bộ các quy định từ lập, ban hành quy hoạch tần số đến việc cấp phép tần số để quản lý, sử dụng tốt hơn, hiệu quả hơn, đặc biệt là với những băng tần "quý hiếm".
4. Thủ tướng chọn ngày 10/10 hàng năm là Ngày Chuyển đổi số quốc gia
Ngày 22/4/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định về Ngày Chuyển đối số quốc gia. Theo đó, ngày 10/10 hàng năm là Ngày Chuyển đối số quốc gia.
Ngày Chuyển đổi số quốc gia được tổ chức hàng năm nhằm nâng cao nhận thức của người dân toàn xã hội về vai trò, ý nghĩa và lợi ích của chuyển đổi số; thúc đẩy sự tham gia, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, toàn dân trong công cuộc chuyển đổi số của đất nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, chuyển đổi số là xu thế tất yếu, khách quan đang diễn ra rất mạnh mẽ, sâu rộng và hàng ngày. Chuyển đổi số góp phần phát huy sức mạnh dân tộc và sức mạnh của thời đại, nguồn lực bên trong và nguồn lực bên ngoài, giúp giải quyết hiệu quả các mối quan hệ giữa nhà nước, thị trường và xã hội.
Tại sự kiện này, Thủ tướng đã công bố thông điệp của Chính phủ đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia trong thời gian tới. Trước hết là, tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách, triển khai hiệu quả Chiến lược chuyển đổi số quốc gia.
Phát triển đồng bộ cả về thể chế, hạ tầng số, nền tảng số và nguồn nhân lực. Triển khai các giải pháp nhằm nâng cao xếp hạng của Việt Nam về Chính phủ điện tử, Đổi mới sáng tạo và Năng lực cạnh tranh toàn cầu theo tiêu chí của các tổ chức quốc tế.
5. Giải thưởng VinFuture vinh danh các nhà khoa học phát minh ra mạng toàn cầu
Giải thưởng VinFuture 2022 trị giá 3 triệu USD đã được trao cho 5 nhà khoa học: Sir Timothy John Berners-Lee, Tiến sĩ Vinton Gray Cerf, Tiến sĩ Emmanuel Desurvire, Tiến sĩ Robert Elliot Kahn và Giáo sư Sir David Neil Payne với các phát minh đột phá trong việc kết nối công nghệ mạng toàn cầu.
Công nghệ mạng toàn cầu là kết quả của nhiều phát minh vĩ đại phục vụ nhân loại với hành trình phát triển và hoàn thiện suốt nhiều thập kỷ của nhiều thế hệ nhà khoa học đến từ Vương quốc Anh, Pháp và Mỹ, tạo ra nền tảng của kinh tế tri thức và là bệ phóng cho các công nghệ đột phá tiếp như Trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật, Điện toán đám mây, Dữ liệu lớn.
Đặc biệt, suốt thời gian thế giới bị chia cắt do đại dịch, công nghệ mạng toàn cầu đã trở thành nền tảng kết nối nhân loại, thay đổi toàn diện phương thức giao tiếp và làm việc của hàng tỷ người trên khắp hành tinh.
6. FPT sản xuất chip, đưa Việt Nam vào danh sách số ít quốc gia sản xuất được chip trên thế giới
Ngày 28/9/2022, FPT Semiconductor - Công ty thiết kế và sản xuất chip vi mạch (thuộc tập đoàn FPT) đã cho ra mắt dòng chip vi mạch đầu tiên ứng dụng trong sản phẩm IoT cho lĩnh vực y tế, hiện thực hóa giấc mơ sản xuất linh kiện bán dẫn khởi tạo bởi trí tuệ Việt.
Dòng chip bán dẫn tích hợp được các kỹ sư của FPT Semiconductor trực tiếp thiết kế và đặt ra cấu trúc, hướng đến phục vụ cho các ngành công nghiệp, sản phẩm cụ thể. Thiết kế hoàn thiện tại Việt Nam được chuyển tới nhà máy đặt tại Hàn Quốc để sản xuất và đóng gói.
Không chỉ có FPT, Viettel cũng tiến hành sản xuất chip. Việc FPT và Viettel sản xuất chip đã khẳng định trí tuệ của người Việt và hiện thực hóa giấc mơ sản xuất chip bán dẫn của người Việt, góp phần đưa Việt Nam tham gia vào chuỗi sản xuất và cung ứng chip toàn cầu, một lĩnh vực công nghệ cao nhất, cốt lõi nhất của mọi thiết bị công nghệ xung quanh con người.
7. Nhà mạng bắt đầu tắt sóng 2G và 3G
Năm 2022, một số nhà mạng đã bắt đầu thực hiện tắt sóng 2G ở một số nơi nhu cầu thấp. Tuy nhiên, Viettel là nhà mạng đầu tiên tại Việt Nam thực hiện tắt mạng 3G diện rộng trên toàn quốc với quy mô 35.000 trạm.
So với thế giới, Viettel là một trong số ít nhà mạng tiên phong triển khai tắt mạng 3G. Chất lượng mạng và trải nghiệm dịch vụ khách hàng sau khi tắt vẫn duy trì ổn định và hiệu quả tăng trưởng.
Việc tắt sóng 2G và 3G giúp nhà mạng đơn giản hóa mạng lưới, tối ưu hạ tầng phục vụ phát triển công nghệ mới, tối ưu chi phí vận hành khai thác, bổ sung tài nguyên tần số cho mạng 4G để nâng cao chất lượng dịch vụ trong bối cảnh lưu lượng và thuê bao data 4G ngày càng lớn.
Bộ TT&TT đặt ra mục tiêu đặt ra là chậm nhất đến tháng 9/2024 phải hoàn thành việc dừng công nghệ 2G. Đây là thời điểm hết hạn giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông di động và giấy phép băng tần số vô tuyến điện, để phù hợp với định hướng quy hoạch tần số vô tuyến điện.
8. Nhà mạng đồng loạt bắt tay ngăn chặn, xử lý cuộc gọi rác
Ngày 29/8/2022, Viettel, VNPT, MobiFone, Vietnamobile, Local, Itel và Gmobile đã cùng ký thỏa thuận cam kết để thực hiện kế hoạch ngăn chặn và xử lý cuộc gọi rác và kế hoạch quản lý thông tin thuê bao di động, ngăn chặn, xử lý SIM có dấu hiệu tồn kênh.
Đây là lần đầu tiên các nhà mạng bắt tay chặn cuộc gọi rác đang gây nhiều hệ lụy cho xã hội. Nhằm ngăn chặn triệt để cuộc gọi rác, chỉ các giải pháp kỹ thuật không thôi là chưa đủ.
Tỷ lệ phản hồi của khách hàng chính là sở cứ để nhà mạng tìm ra và chặn đứng cuộc gọi rác. Sau khi thuê bao nghi ngờ kết thúc cuộc gọi, nhà mạng sẽ gửi tin nhắn cho người dùng trực tiếp phản hồi. Chính người dùng sẽ quyết định một thuê bao có phải là thuê bao thực hiện cuộc gọi rác hay không. Các nhà mạng sau đó sẽ xử lý dựa trên quy định đã có.
Bộ TT&TT khẳng định sẽ kiên quyết thanh tra và xử phạt công khai những nhà mạng không nghiêm túc thực hiện việc xử lý SIM rác, phải làm sạch thông tin thuê bao để tránh gây hệ lụy cho xã hội, không thể bắt người dân chịu gánh nặng này.
9. Samsung khánh thành Trung tâm R&D 200 triệu USD tại Hà Nội
Ngày 23/12, Samsung Việt Nam đã chính thức khánh thành, đưa vào hoạt động Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) tại Hà Nội. Đây là trung tâm lớn nhất của Samsung tại khu vực Đông Nam Á.
Trung tâm R&D có quy mô đầu tư 220 triệu USD, được thiết kế với 16 tầng nổi và 3 tầng hầm với tổng diện tích xây dựng 11.603 m2 và diện tích sàn 79.511 m2; là tòa nhà cao tầng có quy mô lớn chuyên về phát triển công nghệ đầu tiên tại Việt Nam được thành lập bởi một doanh nghiệp FDI.
Samsung đề ra kết hoạch phát triển Trung tâm R&D tại Việt Nam trở thành trung tâm nghiên cứu và phát triển số một toàn cầu thông qua việc đẩy mạnh quan hệ hợp tác với các trường đại học trong các lĩnh vực công nghệ then chốt của tương lai như; nâng cao tính chuyên môn về nghiên cứu công nghệ cốt lõi của thiết bị di động (đa phương tiện, bảo mật); nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển đạt mức tự chủ trong các sản phẩm công nghệ công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI)/dữ liệu lớn (BigData)/Internet vạn vật (IoT), bên cạnh việc gia tăng hỗ trợ bồi dưỡng nhân lực công nghệ thông tin (IT) của Việt Nam.
10. Tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Blockchain Việt Nam
Lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam, Hội nghị thượng đỉnh Blockchain Việt Nam 2022 thu hút hàng nghìn đại biểu, diễn giả và các chuyên gia, các tên tuổi công nghệ blockchain hàng đầu thế giới và Việt Nam (Kyber Network, Gala Games, Sky Mavis, DFG, FTX, Binance, BNB Chain, Chainalysis, OKC, AAX…). Hội nghị tạo ra các kết nối hiệp thương công nghệ, đóng góp vào sự thúc đẩy nền kinh tế số.
Theo Fortune Business Insights, thị trường blockchain toàn cầu được định giá 4,67 tỷ USD vào năm 2021, dự kiến sẽ đạt 7,18 tỷ USD năm 2022, và 163,83 tỷ USD vào năm 2029, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 56,3% trong giai đoạn này.
Việt Nam được xem là điểm sáng trên bản đồ thế giới với số lượng dự án blockchain lớn và trình độ nhân lực blockchain ở mức cao. Nhiều dự án do người Việt xây dựng trở thành biểu tượng, thu hút sự quan tâm và đầu tư lớn từ các tổ chức, cá nhân trên toàn cầu.
Một số dự án tài chính phi tập trung (DeFi) và hạ tầng blockchain tiêu biểu, ghi dấu ấn trên trường quốc tế: Kyber Network, Kardiachain, TomoChain, GameFi.org, Sipher. Đặc biệt Sky Mavis với dự án Axie Infinity đã trở thành kỳ lân công nghệ trong năm 2021 và là dự án dẫn đầu trong lĩnh vực GameFi toàn cầu.
Theo Dân Trí
Bài viết mới nhất
2022/06/22
Tiềm năng của lĩnh vực Fintech tại Việt Nam
2022/07/11