Cách Singapore thu hút dự án khởi nghiệp công nghệ

2022/11/15

Theo các chuyên gia, với diện tích nhỏ và dân số hơn 5,4 triệu người, Singapore không phải thị trường chính để các startup nhắm đến. Thay vào đó, họ coi đây là cửa ngõ để tiếp cận thị trường Đông Nam Á nói riêng và châu Á nói chung.

Ông Yong đánh giá, khi trở thành "trung tâm", Singapore có lợi thế về khả năng kết nối, trở thành nơi các quỹ tìm đến khi muốn đầu tư và các nhà khởi nghiệp chọn khi cần tìm nguồn hỗ trợ tài chính, từ đó thu hút được startup.

Để làm được điều đó, hệ thống giáo dục đã liên tục nâng cấp để thu hút và đào tạo ra người có chuyên môn cao về công nghệ. Trong khi đó, môi trường sống an toàn, thoải mái giúp giữ chân nhân tài. Nguồn tài chính cho đổi mới sáng tạo cùng cơ chế quản lý linh hoạt đã thúc đẩy những ý tưởng khởi nghiệp mới mẻ. Nước này cam kết hỗ trợ 19 tỷ USD trong giai đoạn 2020-2025 cho nghiên cứu, đổi mới và phát triển doanh nghiệp.

Theo ông Yong, thu hút người tài không chỉ là vấn đề thu nhập hay môi trường kinh doanh, mà cần tạo điều kiện để họ phát huy tối đa tiềm năng. "Nếu họ đến Singapore và thấy có nhiều điều không thể làm được, họ sẽ rời đi", ông nói và cho rằng, tính linh hoạt là điều quan trọng nhất trong quản lý.

Ví dụ với lĩnh vực mới như công nghệ y tế, fintech, đặc biệt là blockchain, ông cho biết sẽ không thể ra luật mà không biết mô hình kinh doanh tương lai sẽ như thế nào. Nhưng cũng không thể thả cho doanh nghiệp làm mọi điều họ muốn, bởi nhiều công nghệ mới có thể ảnh hưởng đến cuộc sống, thậm chí tính mạng con người.

Giải pháp được đưa ra là cơ chế SandBox, cho phép các dự án thử nghiệm hoạt động trong khuôn khổ pháp lý nhất định, sau đó linh hoạt điều chỉnh dựa trên sự phát triển của dự án đó. Đây cũng là điểm thu hút nhiều nhà sáng lập Việt Nam, như Việt Dũng, chọn Singapore làm nơi khởi nghiệp dự án về blockchain, Web3 của mình.

"Các nhà sáng lập Việt không khai thác thị trường tương đối nhỏ ở Singapore, mà họ khai thác nguồn nhân tài, sự hỗ trợ về tài chính và các quy định để có thể tự do thử nghiệm", James Tan, Chủ tịch cộng đồng doanh nghiệp ACE tại Singapore, đánh giá.

Theo James, Việt Nam có nhiều nhân tài trong lĩnh vực Web3 và luôn là quốc gia được nghĩ tới đầu tiên khi nhắc đến vấn đề nhân lực trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, Singapore, với khung quy định rõ ràng và tự định vị mình là trung tâm Web3 của châu Á, vẫn thu hút đầu tư Web3 tốt nhất.

Báo cáo của Enterprise Singapore và DellstreetAsia cho thấy trong 9 tháng đầu năm, có 517 thương vụ đầu tư vào các dự án startup nói chung tại Singapore, với số tiền 8,11 tỷ USD. Trong khi con số này tại Indonesia là 220 và 3,22 tỷ USD, còn Việt Nam là 87 thương vụ và 0,7 tỷ USD.

Tuy nhiên, việc khởi nghiệp tại Singapore cũng có những thách thức với các dự án non trẻ. Theo Việt Dũng, do thu hút khởi nghiệp công nghệ, Singapore trở thành điểm đến của nhiều công ty khắp châu Á, tạo sự cạnh tranh lớn trong cùng lĩnh vực. Ngoài ra, chi phí sinh hoạt đắt đỏ, lương nhân sự cao, đặc biệt trong ngành phần mềm, cũng trở thành gánh nặng với nhiều công ty khởi nghiệp.

"Điều này cũng tạo nên điểm thu hút cho Việt Nam, khi chi phí rẻ hơn nhiều và nguồn nhân lực dồi dào hơn", Dũng đánh giá.

Theo báo cáo của Bain & Company, Singapore là nước thu hút đầu tư nhiều nhất Đông Nam Á trong nửa đầu năm, chiếm 57% tổng số vốn vào khu vực. Trong khi đó, Việt Nam dẫn đầu về khả năng thu hút các nhà đầu tư trong dài hạn. Khảo sát cho thấy các nhà đầu tư nhận định hoạt động đầu tư vào Việt Nam giai đoạn 2025-2030 sẽ tăng 83% so với hiện nay, trong khi ở Indonesia và Phillipines là 73%, Singapore 50%.

Nguồn: vnexpress.net

bình luận